Những sai lầm sinh viên hay mắc phải khi tìm việc
Những sai lầm sinh viên hay mắc phải khi tìm việc
Những bạn sinh viên vừa mới tốt nghiệp hoặc sinh viên năm cuối thường mắc phải những sai lầm khi tìm kiếm cơ hội việc làm. Hôm nay, Trung tâm HTSV&QHDN sẽ cùng các bạn phân tích một số sai lầm cơ bản nhé!
📌Sai lầm 1: Tự giới hạn phạm vi về cơ hội việc làm
Nhiều sinh viên vẫn suy nghĩ “công ty đó là công ty thực phẩm thì làm gì tuyển ngành cơ khí, ngành điện!”. Và các bạn cứ ngồi hình dung, ngồi chờ có một công ty có tên giống y ngành mình đang học thì mới dám nộp hồ sơ ứng tuyển.
Nguyên nhân là do nhiều sinh viên không chủ động tìm hiểu về ngành nghề và tự đóng khung, giới hạn phạm vi cơ hội việc làm của mình lại.
🍀 Lời khuyên: Hãy dành thời gian ghé thăm các trang web của các doanh nghiệp, các trang mạng tuyển dụng hoặc kết nối với các anh chị khóa trên đã đi làm để có thể hiểu rõ hơn về phạm vi ngành nghề và những cơ hội việc làm của ngành mình nhé!
Ví dụ: Đừng bao giờ nghĩ Suntory PepsiCo chỉ tuyển về ngành Hóa thực phẩm, Tập đoàn này vẫn cứ tuyển KS Cơ điện tử, Tự động hóa, Điện, Nhiệt – Điện lạnh, Môi trường…
📌 Sai lầm 2. Không dám ứng tuyển khi thấy vị trí yêu cầu 01 năm kinh nghiệm
Đương nhiên, nhà tuyển dụng nào chẳng muốn mình tuyển được ứng viên có năng lực và có kinh nghiệm! Nhưng đừng vì dòng chữ “Yêu cầu 01 năm kinh nghiệm” mà không dám ứng tuyển.
Kinh nghiệm ở đây có thể là: kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, giải pháp – sáng kiến bạn đề xuất lúc thực tập, kinh nghiệm thực tập, kinh nghiệm làm thêm, kinh nghiệm hoạt động đoàn – thiện nguyện… Quan trọng là bạn thể hiện kinh nghiệm đó một cách khôn khéo trong CV và tự tin khi phỏng vấn với doanh nghiệp.
Có một mẹo nhỏ, hãy làm nổi bật kinh nghiệm của bạn theo hướng năng lực mà doanh nghiệp mong muốn ở ứng viên. Ví dụ: Bạn ứng tuyển vào vị trí giám sát tập sự thì kinh nghiệm làm Bí thư lớp hoặc Chủ nhiệm một CLB hoặc Trưởng một nhóm nghiên cứu sẽ rất ấn tượng. Hoặc bạn ứng tuyển vị trí Nhân viên kinh doanh thì kinh nghiệm làm phục vụ quán café, kinh nghiệm làm PG/PB sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm gì cả, chỉ biết học mà thôi, thì cũng cứ mạnh dạn nộp hồ sơ ứng tuyển đi, những người làm công tác nhân sự họ “nhạy” lắm, họ sẽ tuyển bạn ngay nếu bạn phù hợp hoặc có tố chất!
🍀 Lời khuyên: Bên cạnh việc học, hãy trải nghiệm các công việc bán thời gian một cách hợp lý để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, bạn cần chủ động tìm kiếm thông tin để nắm bắt những cơ hội thực tập đáng giá tại doanh nghiệp.
📌Sai lầm 3. Loay hoay tìm kiếm công việc hoàn hảo
Sinh viên mới tốt nghiệp thường tập trung tìm kiếm một công việc hoàn hảo, thay vì một công việc thực sự. Đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, công việc đầu tiên nên là một vị trí mà bạn có thể học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức.
Phần lớn sinh viên mới ra trường luôn mong muốn tìm được một công việc lương cao mà quên đi kinh nghiệm & trình độ của mình so với sự phát triển của xã hội. Nhiều bạn trẻ vì ảo tưởng về bằng cấp của mình mà yêu cầu mức lương cao chót vót rồi lại ấp úng trước câu hỏi: “Vì sao chúng tôi nên trả cho bạn mức lương đó?” của nhà tuyển dụng.
Các bạn cần nhớ rằng: Những người làm việc lâu năm, trước khi đòi hỏi tăng lương & quyền lợi xứng đáng thì họ cũng phải trải qua quá tình chứng minh năng lực và cống hiến rất nhiều cho công ty.
🍀 Lời khuyên: Thay vì đặt vấn đề lương bổng lên hàng đầu thì bạn nên tích lũy nhiều kinh nghiệm và biết nắm bắt cơ hội đang có.
Tuy đặc thù mỗi công việc có những khó khăn riêng nhưng nếu bạn hoàn thành tốt mọi công việc được giao và không ngừng đóng góp ý tưởng giúp công ty phát triển thì chắc chắn bạn sẽ được công ty trọng dụng với những phúc lợi tốt nhất.
Hãy là một người có giá trị trước khi nghĩ đến những điều khác!
📌Sai lầm 4: Không tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp khi ứng tuyển
Tìm hiểu công ty là quá trình bạn tìm kiếm thông tin liên quan đến một doanh nghiệp mà bạn dự định ứng tuyển. Đây là bước rất quan trọng. Một sự chuẩn bị cẩn thận không chỉ giúp bạn trả lời dễ dàng những câu hỏi nhà tuyển dụng liên quan đến lịch sử công ty mà còn xác định xem bạn có phù hợp với môi trường làm việc và giá trị của nó không. Trong cuộc sống hiện đại, công việc tìm hiểu một công ty dễ dàng hơn nhiều so với một thập kỷ trước. Vì vậy, trước khi đi phỏng vấn, hãy dành một chút thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về công ty.
Chủ yếu, thông tin của công ty được đăng tải trực tuyến. Tuy nhiên, có nhiều loại công ty khác nhau. Các tập đoàn lớn thường đăng nhiều thông tin và các tài liệu, ngược lại, do không có cổ đông, những thông tin về công ty nhỏ hơn bị hạn chế và rất khó để tìm thấy. Do đó, Internet không phải là phương pháp duy nhất để tiến hành nghiên cứu công ty, bạn có thể tham khảo thông tin ở nhiều kênh như: website công ty, các báo cáo hằng năm, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí, Sổ tay Nhân viên, Mạng lưới cựu sinh viên,…
Khi tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, các bạn nên tập trung vào các thông tin như:
Qui mô của công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, và lĩnh vực kinh doanh như thế nào?
Trụ sở chính đặt ở đâu? Công ty có công ty mẹ hoặc công ty con nào không?
Loại hình kinh doanh của công ty là gì? Các sản phẩm / dịch vụ như thế nào?
Đối thủ cạnh tranh và khách hàng của công ty là ai?
Công ty thuộc về lĩnh vực gì? So với ngành công nghiệp nói chung thì thành tích và vị thế của nó ra sao?
Triết lý của công ty là gì? Công ty có theo sát không?
Kể tên một số sự kiện lớn của công ty.
Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của công ty là gì?
Công ty có ổn định về mặt tài chính không? Doanh số bán hàng và thu nhập ra sao? Những con số này nói lên điều gì về công ty?
Người điều hành công ty là ai?
Công ty có mở các chương trình đào tạo không?
…
🍀 Nhớ nhé, hãy tập thói quen tìm hiểu kỹ về công ty trước khi quyết định nộp đơn ứng tuyển vì việc đó sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan, so sánh năng lực cá nhân, mục tiêu, chí hướng của bản thân có phù hợp với doanh nghiệp này hay không. Từ đó, giúp ích cho các bạn rất nhiều trong việc chuẩn bị hồ sơ, viết CV và trả lời phỏng vấn với doanh nghiệp ở những bước sau.
📌Sai lầm 5: Chuẩn bị Hồ sơ ứng tuyển sơ sài
Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển là một việc làm cực kì cần thiết đối với mỗi ứng viên khi có nhu cầu tìm việc. Nhiều lần bạn có khả năng đáp ứng các yêu cầu công việc nhưng cơ hội không đến với bạn bởi vì hồ sơ của bạn đã bị từ chối ngay từ vòng loại.
Hồ sơ của bạn có thể bị từ chối vì viết quá sơ sài hoặc bất cẩn. Bạn cũng có thể bị loại bởi hồ sơ của bạn không nêu nổi bật được những kỹ năng hay kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đang cần. Vì vậy, hãy dành đủ thời gian để chuẩn bị làm hồ sơ ứng tuyển một cách cẩn thận nhất.
Mỗi công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau về hồ sơ ứng tuyển, thể hiện rõ trong thông báo tuyển dụng. Nhưng nhìn chung, một bộ hồ sơ ứng tuyển sẽ có những loại giấy tờ sau:
– Thư ứng tuyển/ Đơn xin việc
– CV (Curriculum Vitae)
– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền
– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, CMND và các giấy tờ khác như giấy khen, giấy chứng nhận…
– Giấy khám sức khỏe (trong vòng 6 tháng)
📌Sai lầm 6: Chưa có kỹ năng viết email chuyên nghiệp
Trong thời đại hiện nay, rất ít doanh nghiệp yêu cầu bạn nộp hồ sơ trực tiếp bằng bản cứng, thay vào đó, bạn sẽ nộp hồ sơ qua email. Tuy nhiên, nhiều bạn không có kỹ năng viết email hoặc không quan tâm đến kỹ năng này và hậu quả là bạn gửi mail cho cả chục doanh nghiệp nhưng toàn bặt vô âm tín, không một doanh nghiệp nào phản hồi cho bạn. Như vậy có thể nói bạn chưa có cơ hội để “rớt ở vòng gửi xe” vì đâu có được doanh nghiệp mời đến trụ sở của họ.
📌Sai lầm 7: Quá tự tin
Sai lầm cuối cùng mà sinh viên mới ra trường khi đi xin việc hay gặp phải chính là sự tự tin thái quá. Điều này tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác khó gần và không thực sự thiện cảm với ứng viên.
Mặc dù tự tin nói chuyện để tạo ấn tượng & ghi điểm là tốt nhưng cũng cần trang bị thêm những kỹ năng cần thiết cho bản thân khi đi xin việc như: biết khiêm tốn, biết lắng nghe, biết quan sát, biết học hỏi.
🍀 Hy vọng những chia sẻ của Trung tâm HTSV&QHDN trong 2 bài viết vừa qua sẽ hữu ích cho các bạn, đặt biệt là các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp. Chúc các bạn mạnh khỏe và thành đạt!
Nguyễn Tiến Danh